Sẹo lồi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sẹo hiệu quả

Sẹo lồi là loại sẹo được hình thành do sự phát triển bất thường của các sợi mô. Đây là một vấn đề thường gặp và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Sẹo dù không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại làm mất thẩm mỹ, đôi khi gây ngứa ngáy khó chịu cho người bệnh. Vậy dấu hiệu và nguyên nhân hình thành sẹo lồi là gì? Có cách nào cải thiện vấn đề này hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra được phương pháp điều trị sẹo an toàn hiệu quả nhất, trả lại cho bạn làn da hoàn hảo không tì vết.

Sẹo lồi là gì?

Sẹo lồi (tên tiếng anh là keloid) đây là kết quả của quá trình làm lành vết thương, hay nói cách khác nó chính là những mô sợi xuất hiện để thay thế cho vùng da bị tổn thương trước đó.

Khi da bị thương sẽ trải qua 3 giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn phản ứng viêm.
  • Giai đoạn tăng sinh.
  • Giai đoạn tái tạo có tổ chức.

Nếu trong thời gian diễn ra cả 3 giai đoạn trên, cơ thể gặp phải bất cứ tình trạng rối loạn nào đều sẽ làm ảnh hưởng nhất định đến quá trình liền sẹo. Ở mỗi mức độ tổn thương, vị trí da bị tổn thương và các tác nhân bên ngoài tác động,… đều có thể hình thành lên những loại sẹo khác nhau. Đó có thể là những vết sẹo lõm, sẹo lồi, sẹo phì đại, sẹo có nhiều nhân sơ hoặc sẹo lồi co kéo.

Sẹo lồi xuất hiện trên da gây mất thẩm mỹ
Sẹo lồi xuất hiện trên da gây mất thẩm mỹ

Cụ thể, sẹo lồi thường xuất hiện khi các tổ chức xơ phát triển quá mức, nhô cao hơn bề mặt da và có xu hướng lớn hơn vết thương ban đầu. Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên những người trong độ tuổi từ 10 – 30 tuổi, phụ nữ mang thai, người dân gốc Châu Á được cho là nhóm đối tượng có nguy cơ bị sẹo lồi cao hơn những người khác.

Ngoài ra, quá trình hình thành và phát triển sẹo lồi cũng do yếu tố di truyền và cơ địa của mỗi người gây nên. Mặc dù loại sẹo này không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại làm ảnh hưởng rất lớn đến yếu tố thẩm mỹ. Do đó việc tìm ra phương pháp điều trị hoặc làm mờ sẹo là điều cần thiết đối với người bệnh.

Nguyên nhân hình thành sẹo lồi

Sẹo lồi có thể được hình thành do nhiều nguyên nhân và nhiều yếu tố tác động khác nhau, cụ thể như:

  • Sẹo do mụn trứng cá ở mức độ nặng.
  • Sẹo do bỏng.
  • Sẹo do thủy đậu hoặc các bệnh đậu mùa.
  • Do bấm lỗ tai.
  • Do xăm hình.
  • Các vết trầy xước trên da do ngã hoặc tai nạn.
  • Các vết rạch do phẫu thuật hoặc sinh mổ.
  • Hình thành sẹo ở các vết tiêm chủng.

Khi cơ thể bắt đầu xuất hiện vết thương, các tế bào sẽ thực hiện chức năng làm lành ngay lập tức. Bạn có thể hiểu tương tự như khi chúng ta bị đứt tay, cơ thể sẽ hình thành phản ứng giúp làm đông máu và tự chữa lành. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vết thương mà quá trình hồi phục sẽ diễn ra nhanh hoặc chậm.

Có rất nhiều nguyên nhân hình thành sẹo lồi keloid
Có rất nhiều nguyên nhân hình thành sẹo lồi keloid

Tuy nhiên, trong thời gian liền sẹo, chúng ta lại thường gặp phải những tác nhân gây ra sẹo lồi như:

  • Do nhiễm khuẩn: Khi vết thương trên da bị nhiễm khuẩn hoặc không may bị các dị vật như bụi bẩn, lông, tóc,… dính vào sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sẹo lồi ở mức độ cao hơn.
  • Do thức ăn: Trong giai đoạn những tổn thương đang được chữa lành. Nếu người bệnh sử dụng các loại thực phẩm như thịt gà, thịt bò, rau muống, trứng, hải sản, đồ nếp,… thì khả năng hình thành sẹo lồi là rất cao. Do đó bạn cần phải chú ý về vấn đề ăn uống của mình để phòng ngừa tình trạng này.
  • Không xử lý vết thương sạch: Nếu bạn không xử lý các vết thương đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dẫn đến hình thành sẹo nghiêm trọng. Khi băng vết thương lại, bạn không nên băng bó quá lỏng hoặc quá chặt để tránh vùng da bị tức máu.
  • Nặn mụn không đúng cách: Thói quen dùng tay nặn mụn chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sẹo lồi trên mặt. Hơn nữa, khi nặn mụn sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập, gây tổn thương cho da, cuối cùng để lại các vết sẹo và vết thâm xấu xí.
  • Do yếu tố di truyền: Sẹo lồi có khuynh hướng di truyền. Có nghĩa là nếu bố hoặc mẹ đã mắc căn bệnh này thì bạn cũng sẽ có nguy cơ hình thành các loại sẹo lồi, sẹo phì đại cao hơn những người khác. Việc điều trị sẹo ở những người này cũng khó khăn hơn rất nhiều. Do đó bạn nên hạn chế để cơ thể gặp phải những tổn thương không đáng có.

Các triệu chứng của sẹo lồi

Sẹo lồi có một số dấu hiệu dễ nhận biết như sau:

  • Sẹo thường phát triển vượt ra ngoài phạm vi của vết thương ban đầu, có thể từ một vết côn trùng cắn hoặc mụn trứng cá nếu xử lý không đúng cách cũng sẽ hình thành lên khối sẹo lồi.
  • Sẹo lồi thường có vỏ bọc, bề mặt nhẵn, có thể chuyển từ màu đỏ sang màu nâu.
  • Tại vị trí bị sẹo, bạn sẽ cảm thấy vùng da của mình nhạy cảm hơn, ngứa ngáy khó chịu hoặc đau hơn mức bình thường mỗi khi có va chạm.
  • Các loại sẹo khác có thể mờ dần theo thời gian nhưng sẹo lồi thì không. Bởi nó được hình thành do cơ thể tăng sinh collagen quá mức khiến các vết sẹo không thể tự nhỏ lại được.
  • Một số loại sẹo lồi có thể mềm nhưng cũng có một số loại sẹo lồi cứng hoặc có độ đàn hồi như cao su.
  • Sẹo thường xuất hiện ở các vị trí dễ bị tổn thương như đầu gối, vai, ngực, vành tai, cánh tay, bụng,…
Sẹo lồi có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể
Sẹo lồi có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể

Các phương pháp điều trị sẹo lồi hiệu quả nhất

Sẹo lồi được điều trị bằng nhiều phương pháp với mức độ thành công khác nhau, nhằm giải quyết các vấn đề thẩm mỹ. Các chuyên gia da liễu cho biết, hiện không có một liệu pháp chữa trị riêng lẻ nào có thể đảm bảo mang đến hiệu quả 100%. Hầu hết chúng chỉ có thể giúp thu nhỏ kích thước của sẹo, giúp vết sẹo mềm và phẳng dần chứ không làm vết thương biến mất hoàn toàn.

Trên thực hành lâm sàng, các bác sĩ cũng cho biết việc kết hợp điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau sẽ mang đến hiệu quả nhanh và tốt hơn so với điều trị chỉ bằng một phương pháp. Dưới đây là những cách chữa sẹo lồi được áp dụng phổ biến nhất, bạn có thể tham khảo:

Tiêm Corticosteroid

Cơ chế: Lựa chọn hàng đầu của bác bác sĩ trong điều trị sẹo lồi đó là tiêm corticosteroid. Corticosteroid có tác dụng giúp ngăn chặn quá trình viêm và phân bào, giúp làm giảm tổng hợp glusaminoglycan và làm tăng khả năng co mạch. Thông thường những vết sẹo mới được hình thành sẽ đáp ứng điều trị tốt hơn các loại sẹo cũ.

Cách thực hiện:

Hỗn dịch triamcinolone acetonide (TCA) 10 – 40 mg/mL sẽ được tiêm vào bên trong sẹo. Lidocain có thể được pha với corticosteroid để giúp làm giảm đau trong quá trình tiêm. Thường mỗi lần điều trị sẽ cách nhau 4-6 tuần, để đảm bảo hiệu quả, trung bình người bệnh sẽ phải thực hiện từ 3-6 lần. Tổng liều không vượt quá 40mg/lần.

Tiêm corticosteroid là phương pháp trị sẹo lồi khá phổ biến
Tiêm corticosteroid là phương pháp trị sẹo lồi khá phổ biến

Điều trị kết hợp:

  • Có thể kết hợp với phương pháp áp lạnh trước khi tiêm để giúp làm mềm sẹo, cải thiện hiệu quả hơn so với điều trị đơn độc.
  • Tiêm TAC dự phòng sau phẫu thuật để làm giảm tỷ lệ tái phát. Phương pháp này được thực hiện 2 lần/tuần sau khi vết thương cắt chỉ.
  • Kết hợp với 5-fluorouracil giúp tăng hiệu quả điều trị sẹo và giảm tỷ lệ tái phát.

Hiệu quả: Phương pháp này giúp làm phẳng sẹo lồi từ 50 – 100%, tuy nhiên tỷ lệ tái phát cũng khá cao từ 9 – 50%.

Tác dụng phụ: Có thể gây teo da, loét, giãn mạch, tăng hoặc giảm sắc tố. Nếu tiêm đúng kỹ thuật, lựa chọn thuốc tiêm thích hợp,… những tác dụng phụ này có thể được kiểm soát mà không làm ảnh hưởng đến làn da.

Tiêm Bleomycin

Cơ chế: Thuốc Bleomycin khi tiêm vào cơ thể sẽ nhanh chóng làm chết các tế bào tế bào sừng, xơ hóa tế bào nội mô và ức chế quá trình tổng hợp collagen.

Áp dụng: Tiêm nội sẹo nồng độ 1,5UI /ml, mỗi lần tiêm không quá 6 UI. Hai lần tiêm nên cách nhau từ 4-6 tuần, có thể dùng kem lidocain ủ tê tại chỗ trước khi tiêm để giúp làm giảm đau. Thuốc có thể áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với tiêm corticosteroid.

Chống chỉ định: Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị suy giảm chức năng phổi – thận, người >70 tuổi không nên áp dụng phương pháp này.

Hiệu quả: Phương pháp trị sẹo lồi này mang đến hiệu quả tới 84%. Một số nghiên cứu còn cho thấy sử dụng bleomycin còn cho hiệu quả cao hơn cả điều trị bằng tiêm corticosteroid.

Tác dụng phụ: Bị sưng, đau hoặc có thể bị loét tại vị trí tiêm, làm tăng sắc tố da. Hiện vẫn chưa ghi nhận các trường hợp bị tác dụng phụ toàn thân hoặc trên các cơ quan khác.

Bài đọc thêm: 

Tiêm Bleomycin mang đến hiệu quả xóa sẹo tương đối tốt
Tiêm Bleomycin mang đến hiệu quả xóa sẹo tương đối tốt

Tiêm 5-Fluorouracil (5-FU)

Chỉ định: Tiêm 5-FU được chỉ định cho các trường hợp bị sẹo lồi không đáp ứng với phương pháp tiêm corticoid, hoặc có thể kết hợp với corticosteroid để làm giảm tác dụng phụ của corticosteroid. Người bệnh sẽ được tiêm nội sẹo nồng độ 50mg/ml, mỗi tuần 2-3 lần, mỗi lần tiêm 50-150mg.

Chống chỉ định: Những người bị thiếu máu, hạ bạch cầu, hạ tiểu cầu, phụ nữ đang mang thai, người bị suy tủy, nhiễm trùng,… cần được xét nghiệm công thức máu trước khi tiến hành điều trị và xét nghiệm lại sau 4 lần tiêm.

Tác dụng phụ: Người bệnh bị đau tại vị trí tiêm, tăng sắc tố, kích ứng hoặc viêm loét, chưa ghi nhận trường hợp bị tác dụng phụ toàn thân.

Tiêm Botulinum toxin (BoNT)

Cơ chế: BoNT trước đây thường được ứng dụng nhiều trong điều trị nếp nhăn, giúp trẻ hóa da làn da và tạo hình cơ thể. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, BoNT có tác dụng hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại.

Hiệu quả: Giúp làm giảm sức căng của da, giảm viêm và vi chấn thương nhờ giảm co cơ vùng sẹo, ức chế hoạt động nguyên bào sợi, giảm sự hình thành của sẹo.

Silicon (tấm dán, gel)

Cơ chế: Sử dụng miếng dán hoặc gel silicon có tác dụng giúp làm tăng nhiệt độ, hydrat hóa lớp sừng, giảm sức căng oxy của mô để các vết sẹo được mềm và phẳng hơn.

Chỉ định: Phương pháp này được được áp dụng trong điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại ở giai đoạn sớm; dự phòng sẹo tái phát sau phẫu thuật hoặc điều trị bổ trợ cho những phương pháp khác. Đối với các loại sẹo lồi lâu năm, phương pháp này gần như không mang lại hiệu quả khả quan.

Sử dụng miếng dán hoặc gel silicon có tác dụng giúp làm mềm và phẳng các vết sẹo
Sử dụng miếng dán hoặc gel silicon có tác dụng giúp làm mềm và phẳng các vết sẹo

Cách thực hiện:

  • Người bệnh dán hoặc bôi silicon trên bề mặt sẹo liên tục trong vòng 2-3 tháng, tránh áp dụng trên vết thương hở.
  • Tấm dán silicon được cắt vừa với kích thước của vết sẹo và cố định bằng băng dính.
  • Các tấm silicon có thể được tái sử dụng cho đến khi chúng bị phân hủy.
  • Chỉ nên bôi một lớp gel silicon thật mỏng lên vết thương, tránh bôi quá nhiều sẽ gây lãng phí. Lớp gel này sau khi khô lại sẽ tạo thành một màng silicon trong suốt, mềm dẻo, không thấm nước.

Liệu pháp áp lực

Cơ chế: Đây là một phương pháp điều trị khá mới, thường là sử dụng một thiết bị đặc biệt nào đó cho một vị trí nhất định. Ví dụ sử dụng nẹp Zimmer – một loại bông tai áp lực cho sẹo lồi ở dái tai. Thời gian điều trị bằng liệu pháp này thường kéo dài từ 6-12 tháng. Dưới áp lực tối ưu từ 20 – 30mmHg sẽ làm giảm sức căng oxy trong sẹo, dẫn đến giảm tăng sinh nguyên bào sợi và tổng hợp collagen.

Chỉ định: Liệu pháp điều trị sẹo này thường được áp dụng để dự phòng sẹo tái phát sau phẫu thuật, sẹo lồi do bỏng hoặc sẹo lồi ở vùng dái tai.

Hiệu quả: Chưa có nhiều thông tin xác thực về hiệu quả điều trị sẹo của phương pháp này.

Nhược điểm:

  • Thời gian điều trị khá lâu, khiến cho nhiều người bệnh cảm thấy không thoải mái.
  • Không mang lại tác dụng cao đối với những trường hợp sẹo lâu năm.

Phương pháp phẫu thuật lạnh

Cơ chế: Đây là thủ thuật làm đông lạnh sẹo lồi bằng Nitrogen lỏng (nhiệt độ – 196 độ C) có khả năng hủy hoại tế bào và các mao mạch. Việc thiếu oxy, thiếu máu cục bộ sẽ làm mô sẹo bị hoại tử, bong tróc và xẹp xuống, làm phẳng các mô sẹo.

Chỉ định: Thường được áp dụng trong điều trị các loại sẹo lồi, sẹo phì đại. Tuy nhiên chỉ thích hợp với những loại sẹo lồi có kích thước nhỏ, không quá dày..

Phẫu thuật lạnh trong điều trị sẹo
Phẫu thuật lạnh trong điều trị sẹo

Áp dụng:

  • Kỹ thuật áp lạnh thông thường: Sử dụng nitơ lỏng, chu kỳ rã đông kéo dài từ 10-30 giây và có thể lặp lại tối đa 3 lần trong một lần điều trị. Cứ khoảng 4-6 tuần sẽ thực hiện phẫu thuật lạnh 1 lần, thông thường sẽ cần khoảng 5-10 lần điều trị mới đạt được hiệu quả.
  • Kỹ thuật áp lạnh nội tổn thương: Có tác dụng giúp phá hủy các mô sẹo lồi, gây tổn thương hạn chế đối với lớp thượng bì. Sau khi gây tê tại chỗ, nitơ lỏng được đưa tới mô sẹo thông qua kim phẫu thuật đặc biệt nối với nguồn lạnh. Thời gian đông lạnh tùy thuộc vào kích thước sẹo lồi. Cứ khoảng 2-3 tuần người bệnh sẽ phải đến điều trị 1 lần.

Hiệu quả: Phương pháp áp lạnh đơn thuần mang đến hiệu quả khoảng 50%-70 %. Nếu kết hợp với tiêm steroid trong quá trình áp lạnh thì tỷ lệ làm lành sẹo có thể lên đến 84%.

Tác dụng phụ: Gây đau, phù nề, giảm cảm giác, mất sắc tố nhiều năm hoặc vĩnh viễn. Do đó những bệnh nhân có làn da sẫm màu không nên áp dụng kỹ thuật này.

Phẫu thuật trị sẹo lồi

Chỉ định: Khi các phương pháp điều trị trên không mang lại hiệu quả tích cực, các vết sẹo lồi co kéo làm ảnh hưởng tới nghiêm trọng tới thẩm mỹ thì người bệnh có thể cân nhắc tới điều trị bằng phẫu thuật.

Nguyên tắc phẫu thuật:

  • Vết mổ phải có độ căng tối thiểu.
  • Vết mổ phải được tiến hành song song với các đường căng da.
  • Sử dụng chỉ khâu trong để làm giảm căng lên mép vết mổ (nếu cần thiết).
  • Sử dụng kỹ thuật mổ sẹo hình chữ Z, chữ W giúp thay đổi lực căng tác động lên mép sẹo.
  • Kết hợp thêm phương pháp trị liệu bằng áp lực trong thời gian hậu phẫu.

Hiệu quả: Tỷ lệ tái phát sẹo khá cao từ 45-100% nếu chỉ sử dụng như một phương thức đơn độc. Tỷ lệ tái phát sẽ giảm khi kết hợp với các phương pháp bổ trợ như xạ trị, tiêm interferon, corticosteroid, imiquimod, băng áp lực và băng silicon….

Điều trị kết hợp:

  • Việc kết hợp phương pháp phẫu thuật với tiêm corticosteroid và tấm silicon sẽ mang đến hiệu quả cao hơn và phòng ngừa sẹo tái phát.
  • Xạ trị bề mặt (SRT) sẽ giúp bổ trợ sau phẫu thuật với tỷ lệ tái phát chỉ từ 0-8,6%.

Điều trị sẹo bằng Laser

Có nhiều loại laser được ứng dụng trong điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại như laser màu PDL, laser CO2 phân đoạn fCO2 và IPL. Trong đó PDL được sử dụng phổ biến nhất. Phương pháp này thường được chỉ định cho những người bị sẹo lồi, sẹo phì đại không đáp ứng được các phương pháp điều trị trên. Tuy nhiên liệu pháp Laser có thể không phù hợp với những bệnh nhân có da tối màu, người có vết thương mới lành, lớp thượng bị chưa ổn định hoặc người bị nhiễm virus herpes simplex.

  • Laser PDL (585nm, 595nm)

Là loại laser được sử dụng rộng rãi, thích hợp cho những trường hợp sẹo mới. Thông qua hiện ứng quang nhiệt chọn lọc trên hemoglobin, dẫn tới hình thành huyết khối vi mạch, làm giảm oxy mô sẹo, giảm tân tạo mô sợi, giúp các vết sẹo bớt phì đại và đỏ hơn.

Tia Laser được sử dụng phổ biến trong điều trị sẹo trên mặt
Tia Laser được sử dụng phổ biến trong điều trị sẹo trên mặt

Điều trị sẹo bằng laser mang đến hiệu quả cao đặc biệt khi kết hợp với các phương pháp khác như tiêm TCA, phẫu thuật. Thời gian mỗi lần điều trị cách nhau 4-6 tuần, tỷ lệ làm mờ sẹo lên đến 85%. PDL thường không phù hợp với những loại sẹo có độ dày > 2mm. Tuy nhiên điểm hạn chế của phương pháp này đó là giá thành khá cao, có thể không phù hợp với nhiều người. Ngoài ra có thể gặp phải hiện tượng bong vảy, xung huyết, tăng sắc tố sau viêm.

  • Laser IPL

Ánh sáng IPL là phương pháp điều trị thay thế cho PDL. Tuy nhiên hiệu quả của loại laser này trong điều trị sẹo lồi là không cao. IPL thường được sử dụng kết hợp với những phương pháp khác như tiêm corticoid nội sẹo, fCO2…

  • Laser CO2

Công dụng chủ yếu của Laser CO2 là làm xẹp sẹo lồi để chúng có thể được điều trị bằng những biện pháp khác. Khi được dùng đơn lẻ hay thậm chí được kết hợp với Corticosteroids sau mổ, phương pháp này vẫn có tỷ lệ tái phát lên đến 40-90%.

Phương pháp xạ trị

Cơ chế: Tia phóng xạ được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với phương pháp phẫu thuật để dự phòng sẹo quay trở lại. Phương pháp này sẽ đạt hiệu quả hơn nếu được áp dụng sau 2 tuần đầu cắt bỏ sẹo. Liều chiếu xạ thường dùng trong điều trị là 300 rads (5Gy) dùng 4 lần/ngày, thực hiện liên tiếp trong 4-5 ngày. Hoặc 500 rads (5Gy) dùng 4 lần/ngày, thực hiện liên tiếp 3 ngày tính từ ngày phẫu thuật.

Hiệu quả: Xạ trị từng đợt kết hợp với cắt bỏ sẹo mang tới hiệu quả điều trị an toàn và không lo tái phát. Tỷ lệ thành công của phương pháp này là vào khoảng 88%.

Tác dụng phụ: Làm tăng sắc tố da và có khả năng gây ung thư.

Những thực phẩm “vàng” giúp nhanh làm lành sẹo

Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng đối với những vết thương đang trong giai đoạn làm lành. Để tránh nguy cơ xuất hiện sẹo lồi, dưới đây là những loại thực phẩm người bệnh nên ăn và nên kiêng mỗi khi bị vết thương hở:

Những thực phẩm tốt cho quá trình làm lành da

  • Thực phẩm chứa sắt: Bao gồm: Thịt lợn, đậu phụ, các loại hạt họ đậu,… Có tác dụng sản xuất các huyết sắc tố cần thiết cho quá trình làm lành sẹo, thúc đẩy việc hình thành vùng da mới và che kín vết thương.
  • Thực phẩm chứa kẽm: Bao gồm: Hàu, sò, gan lợn, hạnh nhân, đậu phộng, hạt điều,… Những loại thực phẩm này rất tốt trong quá trình làm lành vết thương trên da.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Bao gồm: Cam, quýt, bưởi, ổi, kiwi, bông cải xanh, rau ngót, rau chân vịt,… Có công dụng giúp tăng cường sản sinh collagen, giúp các vết thương nhanh phục hồi, mang tới cho bạn làn da tươi sáng hơn.
  • Thực phẩm giàu vitamin E: Bao gồm: Trái bơ, hạt hướng dương, bông cải xanh, đu đủ,… Vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cơ thể, có tác dụng tốt cho quá trình ngăn ngừa sẹo lồi, hình thành các vết thâm do sẹo gây ra.
Thực phẩm giàu Vitamin E rất tốt cho người bị sẹo lồi
Thực phẩm giàu Vitamin E rất tốt cho người bị sẹo lồi

Những thức ăn cần tránh để ngăn ngừa sẹo lồi

  • Rau muống: Đây là loại thực phẩm đầu tiên mà bạn tuyệt đối không được ăn mỗi khi bị vết thương hở. Bởi rau muống có khả năng kích thích sự tăng sinh collagen. Quá trình này diễn ra nhanh khiến da thừa bị đẩy lên thành sẹo lồi.
  • Thịt bò: Thịt bò có chứa nhiều sắt tốt cho máu, tuy nhiên nó có khả năng làm vết thương tối màu. Do đó trong thời gian vết thương đang hồi phục và hình thành da non, bạn nhất định phải ngưng sử dụng loại thực phẩm này.
  • Thịt gà: Thịt gà có thể làm hạn chế khả năng  liền sẹo, đồng thời tác động đến các tế bào da mới khiến vết thương dễ bị viêm nhiễm, lâu lành và dễ để lại sẹo xấu.
  • Đồ nếp: Đồ nếp có tính nóng nên dễ khiến làn da bị mưng mủ, dẫn đến viêm nhiễm và tạo thành sẹo lồi. Do vậy người bệnh nên kiêng sử dụng các loại đồ ăn làm từ gạo nếp như: Xôi, cơm nếp, bánh chưng, bánh dày, bánh trôi,…
  • Hải sản: Nếu cơ địa của bạn bị dị ứng với hải sản thì nên kiêng các loại tôm, cua, ghẹ, mực, ốc biển,… Bởi chúng có thể gây ra hiện tượng ngứa ngáy khó chịu. Khi người bệnh có những hành động cào gãi sẽ khiến các vết thương nghiêm trọng hơn.
  • Lòng trắng trứng gà: Trứng gà cũng là loại thực phẩm có khả năng sản sinh collagen quá mức gây ra các vết sẹo lồi. Vì vậy khi da đang có vết thương, bạn nên loại trứng ra khỏi thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình cho tới khi vết thương được khỏi hẳn.

Địa chỉ chữa sẹo uy tín trên cả nước

Sẹo lồi gây ra cảm giác mất thẩm mỹ đặc biệt nếu chúng xuất hiện tại những nơi như da mặt, ngực, cổ,…. Theo đánh giá của các chuyên gia, những phương pháp trị sẹo lồi từ tự nhiên đều không có tác dụng loại bỏ sẹo tận gốc, đặc biệt là những loại sẹo lồi cứng, sẹo lâu năm. Vì vậy, để điều trị một cách triệt để, bạn nên áp dụng phương pháp trị sẹo bằng công nghệ hiện đại tại các bệnh viện uy tín.

Dưới đây là một số địa chỉ điều trị sẹo lồi an toàn và hiệu quả, bạn có thể tham khảo:

Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai là nơi tiếp nhận khám và điều trị các vấn đề về da liễu thường gặp như mụn, sẹo, thâm, nám, tàn nhang, các bệnh viêm da và các bệnh da liễu lây qua đường tình dục. Khoa Da liễu của bệnh viện còn áp dụng công nghệ điều trị bằng tia laser, công nghệ tế bào gốc, lăn kim,… để điều trị những thương tổn trên bề mặt da. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn sở hữu đội ngũ y bác sĩ giỏi, có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm trong ngành da liễu – thẩm mỹ. Do đó bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi tới trị sẹo tại đây.

Bệnh viện Bạch Mai là địa chỉ giúp điều trị các bệnh về da liễu hiệu quả
Bệnh viện Bạch Mai là địa chỉ giúp điều trị các bệnh về da liễu hiệu quả
  • Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, phường Phương Đình, Quận Đống Đa.
  • Số điện thoại: 0869 587 728.

Bệnh viện da liễu TP.HCM

Chỉ có những chuyên khoa da liễu riêng biệt với hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại mới đảm bảo được quá trình điều trị sẹo lồi lâu năm an toàn. Tại khu vực phía Nam, địa chỉ chữa sẹo tốt nhất được nhiều người tìm đến đó là Bệnh viện da liễu TP.HCM. Tại đây có áp dụng các phương pháp điều trị sẹo tiên tiến hiện đại nhất, giúp làm mờ dần các vết sẹo lồi chỉ với một liệu trình.

  • Địa chỉ: Số 2 Nguyễn Thông, Phường 6, Quận 3.
  • Số điện thoại: 028 3930 8131.

Bệnh viện Da liễu Trung ương

Là một cơ sở đầu ngành trong lĩnh vực khám và điều trị các bệnh da liễu uy tín số 1 cả nước, Bệnh viện Da liễu Trung ương đang không ngừng cải tiến cơ sở vật chất cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ để mang đến cho người bệnh những dịch vụ chất lượng nhất. Việc điều trị sẹo lồi tại Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ giúp người bệnh có được những trải nghiệm tốt nhất với phác đồ điều trị rõ ràng, hiệu quả thấy rõ sau khi kết thúc liệu trình.

  • Địa chỉ: Số 15A Phương Mai, phường Đống Đa.
  • Số điện thoại: 1900 6951.

Bệnh viện Nhân dân 115

Bệnh viện Nhân dân 115 là một trong những đơn vị nổi bật tại TP. HCM trong việc chăm sóc và điều trị các vấn để về da, có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao trực tiếp thăm khám và điều trị. Bệnh viện hiện cung cấp nhiều phương pháp trị sẹo lồi khác nhau. Tùy vào độ tuổi, tình trạng da, khách hàng sẽ được các bác sĩ thăm khám, tư vấn liệu trình phù hợp để mang lại kết tối ưu nhất. Ưu điểm của việc điều trị sẹo tại đây đó là không gây đau đớn, không tốn nhiều thời gian, không cần nghỉ dưỡng sau điều trị. Chỉ với 1 liệu trình duy nhất, vết sẹo xấu trên da của bạn sẽ mờ đi trông thấy.

  • Địa chỉ: Số 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10.
  • Số điện thoại: 028 3865 4249.

Viện da liễu Hà Nội – Sài Gòn

Với một quy trình điều trị sẹo đạt chuẩn, đảm bảo an toàn tuyệt đối, Viện da liễu Hà Nội – Sài Gòn đã được đông đảo khách hàng tin tưởng lựa chọn và đánh giá cao. Không chỉ vậy, sau khi điều trị sẹo lồi ở Viện da liễu, khách hàng sẽ được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc da nhằm đảm bảo kết quả điều trị được tốt nhất. Bạn sẽ nhanh chóng nói lời tạm biệt với những vết sẹo lồi xấu xí, thay vào đó là một làn da láng mịn đều màu.

Người bệnh có nhu cầu trị sẹo không nên bỏ qua Viện da liễu Hà Nội - Sài Gòn
Người bệnh có nhu cầu trị sẹo không nên bỏ qua Viện da liễu Hà Nội – Sài Gòn
  • Địa chỉ: Số 123 Hoàng Ngân, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân.
  • Số điện thoại: 098 305 89 39.

Lưu ý trong quá trình phòng ngừa và điều trị sẹo

Bên cạnh các phương pháp điều trị sẹo lồi kể trên, bạn cũng cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:

  • Khi vết thương bắt đầu se mặt, bạn có thể bôi nước cốt nghệ trực tiếp lên vết vùng da cần điều trị. Nó sẽ tạo ra một lớp màng bảo vệ, ngăn không cho vi khuẩn và bụi bẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, đồng thời kích hoạt cơ chế tự chữa lành của các tế bào.
  • Khi vết thương bắt đầu lên da non, gây ngứa ngáy, tróc vảy, bạn tuyệt đối không nên bóc vảy vết thương ra vì có thể khiến vết sẹo lan rộng và lâu lành hơn.
  • Những vùng da bị tổn thương sau phẫu thuật cần được điều trị bằng loại kháng sinh thích hợp để tránh nhiễm trùng.
  • Người bệnh nên chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Nên ăn nhiều thịt lợn và các loại rau có tính mát như rau ngót, rau cải, diếp cá… để giúp vết thương chóng liền miệng. Đồng thời tạm ngưng sử dụng các loại đồ ăn dễ gây sẹo, đồ ăn cay nóng nhiều dầu mỡ.
  • Khi bị bỏng da, bạn nên nhanh chóng ngâm vết thương vào nước đá sau đó đến bệnh viện để xử lý, tránh để lâu sẽ gây sẹo lồi nghiêm trọng.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bởi ánh nắng có thể khiến màu da của vết sẹo tối hơn so với vùng da xung quanh.
  • Ở những người có cơ địa dễ bị sẹo lồi, tốt nhất bạn nên tránh để cơ thể bị thương, không xăm mình hay tiến hành những thủ thuật thẩm mỹ khác

Sẹo lồi là một dạng tổn thương thứ phát trên da, mặc dù không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ. Hiện nay dù đã có rất nhiều phương pháp điều trị sẹo, tuy nhiên các bác sĩ chuyên khoa đã cho thấy rằng không có một liệu pháp duy nhất nào có thể đạt hiệu quả 100%. Vì vậy thay vì tìm cách xóa sẹo, bạn cần có lối sống sinh hoạt khoa học, lành mạnh, đi đứng cẩn thận, hạn chế xăm trổ và tránh thực hiện những tiểu phẫu không cần thiết. Đồng thời có biện pháp can thiệp ngay khi vết thương vừa khép miệng để tránh hình thành sẹo lồi cứng, sẹo lâu năm.

Bài viết liên quan:

4.9/5 - (11 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chia sẻ
Bỏ qua