Corticoid – Tổng hợp những thông tin quan trọng cần biết

Corticoid là nhóm thuốc được tổng hợp từ Steroid thường được chỉ định trong khá nhiều loại bệnh lý khác nhau nhờ hiệu quả chống viêm, chống dị ứng, giảm đau và ức chế miễn dịch. Do có tác dụng nhanh chóng nên nhóm hoạt chất này đang bị lạm dụng phổ biến trong việc chăm sóc sức khỏe và làn da. Chính vì vậy, độc giả cần nắm được những thông tin cơ bản về thành phần này để có được sự lựa chọn thông minh khi mua và sử dụng các sản phẩm có chứa Corticoid.

Corticoid - "con dao hai lưỡi" mà người dùng cần cẩn trọng
Corticoid – “con dao hai lưỡi” mà người dùng cần cẩn trọng

Corticoid là gì?

Corticoid có tên đầy đủ là glucocorticosteroid (viết tắt là GC) – hormon vỏ thượng thận, nắm giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì chuyển hóa năng lượng và duy trì huyết áp. Việc thiếu glucocorticosteroid (GC) có thể gây ra các rối loạn nghiêm trọng như suy nhược cơ thể, hạ đường huyết, sốc và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Với sự tiến bộ của y học hiện đại, ngày nay người ta đã sản xuất được glucocorticosteroid tổng hợp dựa trên công thức của hydrocortison (một chất GC thiên nhiên do vỏ thượng thận bài tiết). Glucocorticosteroid sản xuất ra được ứng dụng trong rất nhiều bệnh liên quan đến miễn dịch và kháng viêm. Từ đó dẫn đến Corticoid đang dần trở thành nhóm hoạt chất được sử dụng nhiều nhất trên thế giới, có mặt trong bảng thành phần của rất nhiều loại thuốc.

Tuy nhiên, mặt trái của nhóm hoạt chất này là có rất nhiều tác dụng phụ gây nguy hại cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và nắm được những thông tin cơ bản về Corticoid là rất quan trọng đối với tất cả những ai quan tâm đến sức khỏe.

Dạng bào chế và phân loại

Nhờ những tác dụng tích cực mang lại trong việc giảm thiểu triệu chứng bệnh mà Corticoid được sử dụng rất phổ biến dưới nhiều dạng bào chế khác nhau.

Dạng bào chế

Các dạng bào chế thường dùng trong điều trị hiện nay:

  • Dạng uống: Corticoid uống thường được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén,…
  • Dạng bôi: Corticoid dạng bôi ngoài da được sản xuất thành dạng kem, gel, thuốc mỡ,…
  • Dạng hít: Corticoid dạng hít chủ yếu được sử dụng để điều trị các bệnh về hô hấp như hen phế quản,…
  • Dạng xịt: Corticoid dạng xịt thường dùng để xịt trực tiếp vào mũi giúp điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng,…
  • Dạng tiêm: Corticoid tiêm được dùng tiêm trực tiếp vào mạch máu, khớp, cơ.
  • Dạng nhỏ: Một số loại thuốc nhỏ mắt/mũi có chứa thành phần Glucocorticosteroid này.
Corticoid được bào chế dưới nhiều dạng sử dụng
Corticoid được bào chế dưới nhiều dạng sử dụng

Phân loại

Có thể phân loại các Corticoid Steroids tự nhiên được sản xuất chủ yếu từ tuyến thượng thận thành 2 nhóm chính:

  • Glucocorticoids: Có tác dụng kháng viêm, ức chế miễn dịch, phân hủy chất béo, carbohydrate và protein.
  • Mineralocorticoids: Có chức năng giữ muối cho cơ thể bằng cách cân bằng tỉ lệ muối và nước trong cơ thể.

Tác dụng và cơ chế hoạt động của Corticoid

Như chúng ta đã biết, GC là nhóm hoạt chất tự nhiên do cơ thể tự sản xuất ra ở mức vừa đủ nhằm đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các tế bào. Cụ thể, khi ở nồng độ sinh lý của cơ thể, GC có tác dụng cân bằng nội môi, giúp cơ thể chống lại stress và duy trì nhiều chức năng khác trong quá trình phát triển cơ thể.

Tác dụng chuyển hóa

  • Chuyển hoá Lipid: GC có tác dụng làm thay đổi sự phân bố lipid trong cơ thể, dẫn đến tăng tổng hợp mỡ ở phần thân, giảm tổng hợp mỡ ở các chi. Vì vậy, mỡ sẽ tập trung nhiều ở phần mặt và nửa thân trên (các vùng vai, gáy) gây ra hội chứng gù trâu (tên tiếng Anh là Cushing). Hậu quả gây ra là làm tăng acid béo tự do trong huyết tương và tăng tạo các chất Cetonic trong cơ thể.
  • Chuyển hoá Protid: GC gây ức chế tổng hợp protid, thúc đẩy quá trình dị hóa protid để chuyển acid amin từ cơ, xương đi vào gan nhằm tân tạo glucose. Việc sử dụng corticoid để điều trị lâu ngày có thể gây teo cơ, xốp xương, tổ chức liên kết kém bền vững.
  • Chuyển hoá Glucid: GC làm tăng lượng đường huyết do chúng kích thích enzym gan tạo thành glucose. Ngoài ra, GC còn làm tăng tổng hợp glucagon, giảm tổng hợp insulin. Do đó nếu dùng lâu dài có thể khiến người dùng mắc bệnh đái tháo đường hoặc làm bệnh nặng hơn.
  • Chuyển hóa muối nước: GC kích thích việc thải kali qua nước tiểu dẫn đến làm giảm K+ máu. Tăng thải calci qua thận, giảm tái hấp thu calci ở ruột, làm nồng độ Ca++ trong máu giảm. Do vậy, cơ thể sẽ tăng cường lấy Ca++ từ xương nhằm duy trì Ca++ của máu. Hậu quả gây ra là xương xốp, giòn, dễ gãy, còi xương, chậm lớn. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có thể gây phù và làm tăng huyết áp cho người sử dụng do GC làm tăng tái hấp thụ natri và nước.

Tác dụng lên máu

Đối với liều sinh lý, Corticoid hầu như không gây ảnh hưởng lên quá trình tạo hồng cầu nhưng khi ở nồng độ cao, chúng lại làm tăng hồng cầu (ở người bị hội chứng Cushing) hoặc giảm hồng cầu (người bị hội chứng Addison). Ngoài ra, GC có thể làm tăng bạch cầu, giảm hoạt động của lympho bào và bạch cầu. Các tác động này được ứng dụng trong điều trị ung thư bạch cầu hoặc làm tăng nhanh lượng hồng cầu sau khi xạ trị hoặc hóa trị liệu ung thư.

Tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch

Ngoài tác dụng chuyển hóa các chất và tác dụng lên máu, Corticoid còn có các tác dụng sau:

  • Kháng viêm: Corticoid có khả năng ức chế Phospholipase A2, làm giảm khả năng tổng hợp Leukotriene và Prostaglandin, ức chế dòng bạch cầu đơn nhân, đa nhân và lympho bào đi vào mô để gây khởi phát phản ứng viêm. Từ đó GC giúp làm giảm các phản ứng gây viêm.
  • Chống dị ứng: Corticoid có tác dụng làm giảm giải phóng histamin và các chất trung gian hoá học gây dị ứng. Vì vậy các loại thuốc chống dị ứng thường chứa thành phần Corticoid này.
  • Ức chế miễn dịch: Corticoid có tác động làm teo và dần giảm số lượng tế bào lympho. GC cũng gây ức chế chức năng thực bào, quá trình sản xuất kháng thể, và quá trình hóa hướng động và sự dịch chuyển của bạch cầu. Nhờ đó mà GC có khả năng ức chế miễn dịch.
Corticoid có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch
Corticoid có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch

Nhờ các tác dụng trên mà Corticoid có thể điều trị được các phản ứng quá mẫn, kháng viêm, song điều đó lại làm mất đi đáp ứng viêm có tính chất bảo vệ, nên làm cơ thể giảm khả năng đề kháng, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

Tác dụng lên một số cơ quan khác

Nhóm hoạt chất GC cũng có tác động đến một số cơ quan khác như:

  • Hệ tiêu hóa: GC làm giảm sản xuất lớp chất nhầy có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngoài ra làm tăng tiết pepsin và acid dịch vị trong dạ dày, dẫn đến nguy cơ gây kích ứng niêm mạc, tiềm ẩn nguy cơ loét dạ dày tá tràng.
  • Hệ thần kinh trung ương: Corticoid có thể gây kích thích hệ thần kinh trung ương dẫn đến người sử dụng có cảm giác bồn chồn, mất ngủ, thậm chí gây ảo giác hoặc các rối loạn về tâm thần khác.

Chỉ định dùng Corticoid trong trường hợp nào?

Glucocorticosteroid (GC) thường được chỉ định bệnh nhân sử dụng điều trị trong nhiều bệnh lý khác nhau, như:

  • Các bệnh tự miễn: Là các bệnh mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể bị nhiễm khuẩn, tấn công vào các mô và các cơ quan khỏe mạnh. Ví dụ như viêm khớp dạng thấp, Crohn, Lupus,…
  • Các bệnh liên quan đến hô hấp như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,…
  • Cơn gút cấp.
  • Buồn nôn và nôn do dùng thuốc điều trị ung thư (dùng corticoid uống nhằm dự phòng buồn nôn hoặc nôn).
  • Dùng GC để thay thế hormone tuyến thượng thận trong trường hợp cơ thể không tự sản xuất đủ các hormone này.
  • Corticoid cũng có thể được sử dụng kết hợp với các thuốc khác để dự phòng hệ miễn dịch tấn công các cơ quan vừa được ghép như gan, thận,…
  • Các trường hợp bị dị ứng nặng: Sử dụng GC có thể làm giảm nhanh chóng các phản ứng dị ứng nặng.
  • Các bệnh lý ngoài da như eczema, phát ban, vảy nến, kích ứng nhẹ do côn trùng,…

Tác dụng phụ của Corticoid

Thông thường, việc sử dụng Corticoid trong thời gian ngắn khoảng 1-2 tuần đầu hầu như không gây hậu quả nghiêm trọng. Song chúng vẫn có thể gây nên một vài tác dụng phụ đến cơ thể như bồn chồn, khó ngủ, kích thích dạ dày, tăng cảm giác ngon miệng tạm thời.

Corticoid dạng tiêm cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, mất ngủ, mất màu da
Corticoid dạng tiêm cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, mất ngủ, mất màu da

Các tác dụng phụ chỉ gây nguy hại khi bệnh nhân sử dụng GC trong một khoảng thời gian dài liên tục hoặc dùng trong nhiều khoảng thời gian ngắn nhưng ngắt quãng, lặp lại. Về cơ bản, việc sử dụng Corticoid càng lâu và nồng độ càng cao thì nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tác dụng phụ càng cao. Chính vì vậy, nếu bạn đang trong quá trình điều trị bệnh và phải dùng thuốc chứa GC thì sẽ được bác sĩ kê thuốc giảm thiểu tối đa hàm lượng GC để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp ở các bệnh nhân từng sử dụng GC:

  • Chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.
  • Loãng xương.
  • Loét dạ dày tá tràng.
  • Tăng huyết áp.
  • Tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
  • Tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
  • Vết thương lâu phục hồi.
  • Da bị bào mòn, yếu, teo mỏng, xuất hiện vết bầm, giãn mạch,…
  • Tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Nhiễm nấm Candida ở miệng khi dùng Corticoid dạng xịt.
  • Bồn chồn, hưng phấn, khó ngủ.
  • Rối loạn dịch và chất điện giải.
  • Rối loạn tâm thần.
  • Hội chứng Cushing.

Sử dụng và lạm dụng Corticoid trong chăm sóc da

Ngoài ba công dụng chính là kháng viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch, Corticoid cũng thường được bổ sung vào thành phần của các chế phẩm điều trị bệnh da liễu như viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, chàm, lang ben, vết côn trùng đốt,…

Nhờ đặc tính kháng viêm, ức chế miễn dịch mà các sản phẩm bôi ngoài da có chứa GC giúp da giảm ngay các triệu chứng bệnh da liễu nhanh chóng. Da có thể được giảm ngứa ngáy, sưng viêm, giảm mụn ngay sau khi sử dụng kem chứa Corticoid vài ngày. Đồng thời làn da cũng trở nên trắng sáng, mịn màng, hết mụn trứng cá nhanh chóng.

Chính vì vậy, việc lạm dụng GC ngày càng trở nên phổ biến mà minh chứng là hàng loạt các chế phẩm kem bôi ngoài da, các loại mỹ phẩm được bày bán trôi nổi trên thị trường. Các sản phẩm đó có chứa lượng Corticoid vượt ngưỡng cho phép với nồng độ cao nên khi dùng tác dụng cực kỳ nhanh chóng, người sử dụng sẽ thấy làn da đẹp lên chỉ sau 5-7 ngày.

Thế nhưng không phải bất cứ người tiêu dùng nào cũng lường trước được những hậu quả phải gánh chịu khi sử dụng GC ở nồng độ cao như vậy. Chúng có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng cho làn da của bạn, chẳng hạn như da bị bào mòn, mỏng và yếu dần, da yếu dẫn đến nguy cơ bị nám, sạm cao khi tiếp xúc với ánh nắng, có thể khiến vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm nhiễm sinh ra mụn ngọt,…

Dấu hiệu da nhiễm Corticoid

Da nhiễm Corticoid là tình trạng da bị tổn thương do sử dụng các chế phẩm có chứa GC trong một thời gian dài. Mức độ tổn thương da sẽ phụ thuộc vào nồng độ GC sử dụng, thời gian dùng và cơ địa làn da mỗi người. Đối với các trường hợp nhiễm Corticoid nhẹ, làn da có thể được điều trị và phục hồi nếu chăm sóc da đúng cách. Còn ở thể nặng, tức GC đã gây nguy hại và làm tổn thương đến cấp độ tế bào và cấu trúc da thì khó có thể phục hồi lại làn da như lúc đầu. Thậm chí, khi bị nhiễm Glucocorticosteroid có thể gây nguy hiểm cho cả sức khỏe nói chung, do hoạt chất này khi thoa ngoài da có thể ngấm vào máu.

Làn da bị tổn thương nghiêm trọng do nhiễm Corticoid
Làn da bị tổn thương nghiêm trọng do nhiễm Corticoid

Nhằm tránh những nguy cơ gây tổn hại cho sức khỏe và làn da khi sử dụng mỹ phẩm có chứa GC, người tiêu dùng cần nắm được những dấu hiệu da bị nhiễm Corticoid dưới đây:

  • Mức độ 1: Đây là mức độ ảnh hưởng da nhẹ nhất khi sử dụng GC thoa ngoài da trong thời gian ngắn ban đầu. Dấu hiệu nhận biết cụ thể là da bị khô, bong tróc, mẩn đỏ, có thể gây ngứa trên vùng da thoa kem chứa Corticoid.
  • Mức độ 2: (Viêm da cấp tính) Thời điểm này là khi đã dùng GC trong một khoảng thời gian tương đối lâu, da bắt đầu bị nhiễm độc tố. Khi đó, da sẽ bị nổi các nốt nhỏ li ti có chứa bọng nước bên trong tương tự mụn nước. Chúng thường nổi thành từng cụm, có thể lan rộng ra toàn bộ vùng da khác nếu tiếp tục sử dụng GC.
  • Mức độ 3: (Giãn mạch máu) Nếu tiếp tục sử dụng GC kéo dài lâu hơn, hệ mao mạch dưới da sẽ bị tổn thương, da trở nên mỏng và yếu hơn rất nhiều. Từ đó dẫn đến làn da dễ bị tổn thương do các tác nhân từ môi trường bên ngoài khiến da luôn bị ửng đỏ, nóng ran.
  • Mức độ 4: (Viêm da tăng tiết nhờn) Da bị nhiễm độc GC ở mức độ rất nghiêm trọng sẽ dẫn đến tình trạng viêm da tăng tiết nhờn. Khi dầu nhờn được tiết ra dư thừa dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông, khiến cho mụn viêm nổi lên hàng loạt. Da lúc này có thể xuất hiện các ổ viêm lớn, dầu thừa tiết ra nhiều cũng làm cho da luôn trong tình trạng nhờn bóng.
  • Mức độ 5: (Viêm da kích thích) Đây là mức độ nhiễm độc Corticoid cao nhất, lúc này da sẽ bị ửng đỏ, nóng rát, đau nhức tại các vùng mụn sưng viêm, thậm chí bị đau ngay cả khi không chạm vào vùng da. Ngoài mụn viêm, da còn bị xuất hiện thêm cả mụn nước có dịch vàng, có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử.

Da nhiễm Corticoid cần điều trị thế nào?

Để điều trị da đã bị nhiễm độc từ GC, người bệnh có thể tham khảo một số giải pháp điều trị dưới đây. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ nên áp dụng khi tình trạng nhiễm Corticoid ở thể nhẹ, còn khi đã bị nặng như cấp độ 4,5 thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn, thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.

Giảm dần việc sử dụng Corticoid

Khi da bị nhiễm GC, bạn không nên dừng hẳn việc sử dụng các chế phẩm chứa GC ngay lập tức vì điều đó có thể khiến da bị nổi mụn nước dày hơn, tình trạng ửng đỏ, bong tróc nặng hơn. Vì vậy, bạn cần giảm tần suất sử dụng, giảm dần lượng kem chứa Corticoid thoa mỗi lần lên da. Đồng thời có thể kết hợp sử dụng thêm sản phẩm phục hồi da có chứa các hoạt chất lành tính, tốt cho da như vitamin B5, ceramide,… Sau 1-2 tuần sử dụng GC với liều lượng và tần suất giảm dần thì bạn có thể ngừng hẳn việc sử dụng chúng.

Chăm sóc phục hồi da hằng ngày

Không nhất thiết bạn phải thực hiện đầy đủ tất cả mọi bước trong quy trình chăm sóc da hằng ngày. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên bỏ qua các bước cơ bản để da sớm được phục hồi. 3 bước chính bắt buộc phải làm là:

  • Làm sạch da: Tùy thuộc vào cấp độ nhiễm độ GC mà bạn lựa chọn phương pháp làm sạch phù hợp. Nếu chỉ bị nhẹ ở cấp độ 1 thì bạn có thể tiếp tục sử dụng sữa rửa mặt hằng ngày (chú ý chọn loại sữa rửa mặt dịu nhẹ cho da nhạy cảm). Còn nếu đã bị nặng hơn thì chỉ nên rửa mặt với nước muối sinh lý, sau đó dùng khăn bông hoặc giấy thấm khô da.
  • Dưỡng da: Nếu tình trạng da bị kích ứng nhẹ, bạn có thể kết hợp dùng thêm kem dưỡng phục hồi da. Còn trường hợp da bị nặng hơn ở cấp độ 4,5 thì tuyệt đối không sử dụng thêm bất cứ sản phẩm nào khi chưa được bác sĩ chỉ định.
  • Bảo vệ da: Đây là bước rất quan trọng đối với làn da bị tổn thương nghiêm trọng do GC. Vì khi đó da yếu hơn nên cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ tác động nào từ môi trường bên ngoài. Thế nhưng, vì da đang bị kích ứng nên không thể dùng được bất cứ loại kem chống nắng nào lên da. Chính vì vậy, việc che chắn cẩn thận khi ra ngoài càng trở nên quan trọng. Người bệnh nên đội mũ nón, áo chống nắng, sử dụng khẩu trang y tế để bảo vệ da mặt trước các tác nhân khói bụi, ánh nắng mặt trời,…

Chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp

Ngoài việc ngưng sử dụng Corticoid và chăm sóc da, bệnh nhân rơi vào tình trạng nhiễm độc GC cũng cần đặc biệt chú ý tới chế độ ăn uống. Đây là yếu tố bên trong quyết định tốc độ phục hồi làn da của bạn.

Chế độ ăn khoa học giúp phục hồi làn da bị tổn thương do nhiễm Corticoid

Chú ý tránh ăn các thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, các thực phẩm chứa nhiều đường hoặc hàm lượng chất béo cao, tuyệt đối không dùng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá,…Đồng thời bệnh nhân bị nhiễm Corticoid nên ăn nhiều thực phẩm chứa hàm lượng vitamin cao như rau xanh, các loại quả đậm màu, bổ sung thêm vitamin C, vitamin A,..

Ngoài việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, người bệnh cũng nên có chế độ tập luyện khoa học. Các hoạt động thể chất hằng ngày không chỉ tốt cho sức khỏe nói chung, mà còn giúp làn da của bạn phục hồi nhanh hơn nhờ bài tiết các chất độc qua mồ hôi và lưu thông tuần hoàn máu giúp da sớm khỏe trở lại.

Lưu ý để sử dụng Corticoid an toàn

Nhằm đảm bảo không gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm của GC như trên, người sử dụng các chế phẩm có chứa Corticoid cần lưu ý:

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì các chế phẩm chứa GC trước khi sử dụng.
  • Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.
  • Không ngừng sử dụng thuốc chứa Corticoid đột ngột vì có thể gây ra các biến chứng khôn lường, thậm chí dẫn đến tử vong, đặc biệt là đối với dạng thuốc uống.
  • Nên dùng Corticoid dạng uống trong bữa ăn để hạn chế sự kích ứng dạ dày.
  • Không thoa các chế phẩm chứa GC lên các vùng da bị trầy xước, vết thương hở.
  • Chỉ nên dùng một lượng nhỏ vừa đủ GC để thoa lên vùng da bị bệnh, tránh thoa ở vùng da quá rộng hoặc với liều lượng cao dễ gây nên các tác dụng phụ của GC.
  • Corticoid dạng xịt thường ít gây các tác dụng phụ: Như khàn giọng, nấm miệng. Tuy nhiên chúng ta có thể phòng tránh được bằng cách thực hiện đúng kỹ thuật xịt hít và súc miệng sau khi xịt thuốc chứa GC.
  • Các chế phẩm chứa GC nên đặt tránh xa tầm tay của trẻ em và động vật nuôi trong nhà.

Thực tế cho thấy Corticoid là nhóm hoạt chất giữ vai trò quan trọng trong việc điều trị nhiều bệnh lý của y học. Song chúng giống như một “con dao hai lưỡi”, có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường nếu người sử dụng không hiểu đúng và hiểu kỹ về GC. Chính vì thế, bạn cần phải tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc chứa GC mà bác sĩ đã chỉ định.

5/5 - (6 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Chia sẻ
Bỏ qua